Miêu tả Chi Nắp ấm

Các loài Nepenthes thường có hệ rễ nông và thân cây bò hay leo, thường dài vài mét và cao tới 15 m (49 ft) hay hơn thế, với đường kính thân cây khoảng 1 cm (0,4 inch) hay nhỏ hơn, mặc dù một số loài có thân cây mập hơn (như N. bicalcarata). Từ thân cây mọc ra các lá hình kiếm, sắp xếp so le với mép lá nguyên. Sự mở rộng của gân lá giữa (tua cuốn), ở một số loài hỗ trợ việc leo của cây, thò ra từ đỉnh lá; và tại cuối tua cuốn thì hình thành một chiếc ấm. Chiếc ấm này bắt đầu hình thành như một chồi nhỏ và dần dần mở rộng để tạo ra một chiếc bẫy hình phỏng cầu hay hình ống[3].

Các loài trong chi Nepenthes thường tạo ra hai kiểu ấm, được biết tới như là lưỡng hình lá. Xuất hiện ở gần gốc cây là những chiếc bẫy lớn nằm thấp, thường là nằm ngay trên mặt đất. Những chiếc ấm trên (trong không trung) thường nhỏ hơn, có màu sắc khác biệt và có các đặc trưng khác biệt so với những chiếc ấm dưới. Những chiếc ấm trên này thường tạo ra khi cây đạt tới độ thành thục và trở nên cao hơn. Để giữ cho cây vững chắc, những chiếc ấm trên thường tạo thành một vòng trong tua cuốn, cho phép nó cuộn lấy chỗ tựa cận kề. Ở một vài loài (như N. rafflesiana) hai kiểu ấm này có thể thu hút những loại con mồi khác nhau. Hình thái biến đổi này cũng thường làm cho sự nhận dạng loài là khó khăn[3].

Cấu trúc cơ bản của một ấm trên

Chiếc bẫy chứa một chất lỏng do cây tự sinh ra, nó có thể là dạng nước hay xi rô và được sử dụng để làm con mồi chết đuối. Ngiên cứu chỉ ra rằng chất lỏng này chứa các polymer sinh học nhớt đàn hồi có thể là cốt yếu để cầm giữ côn trùng trong các bẫy của nhiều loài. Hiệu suất đánh bẫy của chất lỏng này vẫn là cao ngay cả khi nó bị nước hòa loãng đáng kể, một điều không tránh khỏi trong các điều kiện ẩm ướt[4].

Phần dưới của bẫy chứa các tuyến hấp thụ các chất dinh dưỡng từ con mồi bắt được. Dọc theo phần bên trong phía trên của bẫy là một lớp sáp che phủ trơn bóng làm cho sự thoát ra của con mồi là gần như không thể. Bao quanh lối vào bẫy là một cấu trúc gọi là lông măng ("môi") trơn trượt và thường khá sặc sỡ, để thu hút con mồi nhưng lại tạo ra chỗ đứng không vững chắc. Phía trên lớp lông măng là nắp: ở nhiều loài nó giữ cho chất lỏng bên trong ấm không bị nước mưa hòa loãng, mặt dưới của nắp có thể chứa các tuyến mật để thu hút con mồi[3].

Con mồi của các loài nắp ấm thường là côn trùng, nhưng các loài lớn nhất (như N. rajah và N. rafflesiana) đôi khi có thể bắt cả các động vật có xương sống nhỏ, như chuột và thằn lằn[5][6][7]. Nói chung, hoa của chúng mọc thành chùm hoa, hiếm khi thành chùy hoa với các hoa đực và hoa cái trên các cây khác nhau (đơn tính khác gốc). Hạt tạo ra trong các quả nang, có thể chứa tới 50-500 hạt, phát tán nhờ gió, mỗi hạt có một phôi trung tâm và hai cánh, mỗi cánh một bên.